Cà cuống – Hương vị ẩm thực Việt Nam

Rất nhiều người vẫn thường đặt ra câu hỏi cà cuống là gi? Con cà cuống nhìn như thế nào? Cà cuống đc sử dụng thế nào? Cách lấy tinh dầu cà cuống? Cà cuống có những tác dụng gi? Điểm hấp dẫn của cà cuống là gi? Mua cà cuống ở đâu? Ở đâu bán cà cuống?
Hôm nay mình xin đc trả lời những câu hỏi trên để mọi người hiểu hơn về cà cuống nhé.
Đất Hà thành vốn nổi tiếng với những nét đẹp tinh tế trong văn hóa ẩm thực. Trong đó, những món ăn mang hương vị truyền thống được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực bởi cách chế biến, nêm nếm gia vị. Nếu không có gia vị đặc biệt cà cuống thì chắc hẳn món bún chả, bánh cuốn, bún thang, chả cá… không thể có được hương vị tinh túy, đặc trưng so với các vùng miền khác.
Ở Hà Nội trước đây, những nơi có không gian rộng lớn và nhiều ánh đèn như cầu Chương Dương, nhà thờ Hà Nội, quảng trường Ba Đình… là địa điểm “tụ tập” lý tưởng của cà cuống. Giờ đây, không hiểu có phải vì không gian chật hẹp, đông đúc của thành phố nên những con cà cuống không còn nhiều nữa. Cũng bởi vậy mà giới trẻ bây giờ không có cơ hội được biết đến những con cà cuống này, chỉ nghe các bà, các mẹ ngồi kể lại mà thấy thật tò mò và tiếc nuối. Cũng là một giống côn trùng có cánh, “yêu thích” ánh sáng như thiêu thân nhưng cà cuống lại mang trong mình những giọt tinh dầu quý giá làm dậy mùi, nổi vị cho bát nước mắm sóng sánh.
Từ món ăn bình dị như rau muống luộc trong bữa cơm đạm bạc đến các món cầu kì có tại nhà hàng như chả cá Lã Vọng thì chỉ một giọt tinh dầu lấy từ những con cà cuống nhỏ bé cũng đủ để làm người thưởng thức “say” bởi hương vị quyến rũ không gì thay thế được.
Cà cuống là loại côn trùng có ở nhiều nước chứ không riêng gì nước ta. Ở những nước có nền nông nghiệp lúa nước đều có loại côn trùng này. Người Hoa nổi tiếng với món cà cuống xào dầu mè béo ngậy, hay cà cuống luộc chấm muối. Người Thái thì có món cà cuống chiên giòn tan. Nhưng chỉ có ở Hà Nội người ta mới sử dụng phần tinh túy nhất của loài côn trùng này để làm gia vị sống tạo nên những món ăn để đời, tiêu biểu cho cả một nền văn hóa ẩm thực tinh tế được bàn bè xa gần biết đến. Người Hà Nội trong các món “để đời” như bún thang, chả cá, bún chả…khi ăn không thể quên một chút tinh dầu cà cuống vào bát nước chấm cho dậy mùi.
Cà cuống còn có tác dụng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc của cà cuống là thịt, trứng và tinh dầu.
– Thịt và trứng: Thịt và trứng cà cuống chứa protein với hàm lượng khá cao, lipid và các vitamin. Dược liệu có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa.
Món trứng cà cuống thơm phức, thoáng có mùi quế, mà lại không nồng gắt như quế, không cay sực như hạt tiêu. Bầu trứng cà cuống bé tí tẹo, chỉ chừng như hạt thóc nếp, màu vàng chanh sáng, trong văn vắt. Trứng cà cuống không mềm như các loại trứng tôm, cũng không khô như trứng cá, mà nó chắc chắn, dai dai, thoạt đầu tưởng như miếng kẹo cao su.
Từ xa xưa, cà cuống đã được coi là một loại thực phẩm quý thuộc hạng “Sơn hào hải vị” và vật cống của các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong dân gian, người ta dùng thịt và trứng cà cuống để ăn dưới dạng luộc hoặc rán sau khi đã lấy túi tinh dầu. Đây là món ăn – vị thuốc bổ dưỡng rất độc đáo được ưa chuộng ở nhiều địa phương. Có khi người ta để nguyên con, chỉ vặt bỏ cánh, hấp chín, rồi băm nhỏ dùng làm gia vị đặc biệt cho món nước chấm bánh cuốn và nước dùng bún thang.
– Tinh dầu, được lấy từ con cà cuống đực bằng cách sau: Dùng đầu nhọn của que tre hay mũi dao rạch một đường ngang ở vị trí giữa đôi chân thứ ba. Gấp bụng cà cuống xuống để bộc lộ hai túi tinh dầu, đây chính là phần tinh túy nhất trong con cà cuống. Dùng kẹp khẽ gắp túi và rút ra một cách nhẹ nhàng (tránh làm rách túi), rồi chích túi cho tinh dầu chảy vào lọ khô, sạch, đậy kín. Nếu đựng trong lọ có nút mài thì có thể bảo quản được rất lâu.
Tinh dầu cà cuống là một chất lỏng trong vắt, chứa chất thơm được xác định là một hexanol acetat và được sử dụng như thịt và trứng.
Trên thực nghiệm y học, tinh dầu cà cuống được dùng với liều thấp theo giọt như một chất kích thích thần kinh, gây hưng phấn và tăng cường nhẹ khả năng sinh dục.
Hương vị cà cuống đặc trưng và quyến rũ lắm. Nếu ai đã trót nếm thử một lần thì không thể nào quên được. Khi những cơn mưa cuối hạ bất chợt kéo đến, người ta lại nhớ nao lòng, nhớ đến thấp thỏm đứng ngồi không yên cái hương vị đó. Người ta kể rằng những giọt tinh dầu này là loại “nước hoa” độc đáo mà những con cà cuống đực tiết ra để quyến rũ những con cà cuống cái. Chắc có lẽ vì thế mà nó mang hương thơm nồng nàn, say đắm đến vậy.
Người Hà thành rất “yêu” cái mùi thơm ngào ngạt đó. Yêu thế nên người ta cũng có những cách “thưởng thức” đặc biệt lắm. Người ta dùng một đầu tăm nhúng vào lọ tinh dầu cà cuống, kề sát miệng bát nước chấm hay miệng bát bún. Nhẹ nhàng và kiên nhẫn chờ cho giọt tinh dầu đu đưa trĩu xuống “tong” một tiếng. Giọt tinh dầu này khi rơi xuống tạo nên một vòng tròn nhỏ lan rộng ra rồi lại thu hẹp vào trông rất thích thú. Vòng tròn đó cứ lấp loáng như mặt hồ thu. Mùi thơm thoảng nhẹ nhàng nhưng sâu lắng và mãnh liệt làm thức tỉnh các giác quan. Và cứ thế, nhâm nhi tận hưởng hương vị tuyệt vời. Thật đúng khi người ta nói nét đẹp của văn hóa ẩm thực Hà Nội là ở sự tinh tế, thanh lịch khi thưởng món ăn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *